Đắp mốc trát tường gồm 2 công đoạn chính là đắp các mốc chính-mốc phụ và dải mốc ( nối các mốc này với nhau).
Cụ thể, có thể thực hiện đắp mốc trát tường theo các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ và vật liệu cần thiết
Các dụng cụ phục vụ cho công tác ghém tường thường bao gồm:
Thước tầm, nivo để đo đạc, kiểm tra
Búa, đinh, bay, dây để gắn các mốc lên tường
Quả dọi, máy laser, thước dây để đắp dải mốc cũng như kiểm tra tường sau khi đã ghém mốc xong.
Ngoài ra cần chuẩn bị các nguyên vật liệu sau:
Hồ dầu (hỗn hợp xi măng và nước)
Các miếng mốc ghém (có thể dùng các miếng gạch vỡ, đá hoa, các miếng vữa khô…). Để cho đều nhau thì ở công trường người ta thường đổ vữa xi măng lên một tấm ván phẳng, rồi chia thành các phần đều nhau khoảng kích thước khoảng 5cm*5cm, sau đó phơi khô rồi bẻ nhỏ tạo thành các miếng mốc ghém).
Bước 2: Kiểm tra tường trước khi đắp mốc trát tường
Trước khi tiến hành đắp mốc, cần phải kiểm tra tổng thể bức tường như sau:
Dùng dây căng và thước để kiểm tra độ phẳng của bề mặt tường
Dùng thước tầm hoặc nivo để thử độ thẳng đứng, ngang bằng của tường
Kiểm tra để xác định mức độ lồi lõm, nghiêng của tường lấy cơ sở để xác định chiều dày lớp vữa trát.
Bước 3 : Đắp các mốc chính
Các mốc chính phía trên được định vị bằng cách xác định các điểm cách trần và tường bên khoảng 15-20cm. Sau khi xác định được vị trí thì đóng đinh vào các điểm này, sao cho đầu đinh nhô ra cách tường một khoảng bằng chiều dày lớp trát.
Thả dọi từ các mốc chính phía trên xuống để định vị các mốc chính ở dưới. Đối với các bức tường có chiều cao nhỏ thì chỉ cần dùng thước và nivo để xác định mốc dưới.
Bước 4: Đắp các mốc phụ
Bước này được thực hiện nếu chiều dài thước cán nhỏ hơn chiều dài của 2 mốc chính, hoặc ở vị trí tương đương với chiều cao đợt giáo. Các mốc phụ hỗ trợ công tác trát tường diễn ra nhanh hơn và không bị sai lệch. Ta dùng dây căng giữa 2 mốc chính, tạo thành các đường thẳng và đặt mốc phụ trên các đường thẳng này.
Lúc này các mốc chính và mốc phụ sẽ phân bố đều trên tường theo chiều dọc và ngang với khoảng cách thông thường là 1.5m-2m (hoặc nhỏ hơn nếu thợ còn non kinh nghiệm, cần nhiều mốc hơn). Số lượng các mốc trát sẽ phụ thuộc vào diện tích bức tường trát.
Bước 5: Tiến hành đắp dải mốc
Thực hiện đắp dải mốc theo phương song song với chiều cần cán thước, nối các dải mốc bằng vữa sau đó dựa vào 2 mốc ở 2 đầu để dùng thước cán phẳng.
Hiện nay, với các bác thợ lâu năm có nhiều kinh nghiệm có thể bỏ qua bước đắp dải mốc vì tốn thêm công. Tuy nhiên với các công trình yêu cầu độ tỉ mỉ chính xác cao thì kiểm soát kỹ thuật vẫn yêu cầu đắp dải mốc để đạt chất lượng bề mặt lớp trát cao nhất.
Ngoài ra, nếu không đắp dải mốc có thể sử dụng nẹp mốc trát tường (hay còn được gọi là nẹp tô tường, nẹp mốc ghém). Loại nẹp này hiện nay khá thông dụng, và cũng có nhiều ưu điểm như: kích thước đồng đều do được sản xuất sẵn tại nhà máy, ít có sai số và khi gắn cũng dễ dàng thao tác hơn. Do đó nẹp mốc trát tường cũng được sử dụng khá nhiều ở các công trình.
Bước 6: Nghiệm thu đắp mốc trát tường
Sau khi đắp mốc xong, trước khi tiến hành trát tường thì cần phải kiểm tra lại sao cho các mốc đạt tiêu chuẩn nghiệm thu như sau:
Chiều dày các mốc cần phải tạo được mặt phẳng đều nhau (đây chính là chiều dày lớp vữa cần phải trát). Để đạt được điều này thì các miếng mốc ghém cần đạt được sự đồng đều về kích thước cũng như độ dày.
Các mốc trát phải chắc chắn, không được xô lệch, xiên xẹo sẽ ảnh hưởng đến việc trát tường.
Sau khi kiểm tra mốc nào mà chưa đạt thì cần được tiến hành điều chỉnh lại cho chuẩn. Có như vậy thì giai đoạn trát tường mới được tiến hành thuận lợi, đảm bảo kỹ thuật và tính thẩm mỹ.